Con em những gia đình có điều kiện thường là học lên cao, đi nước ngoài, làm công sở và coi như... thôi nghĩa vụ quân sự.
Để góp phần đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng hạ sĩ quan, binh sĩ, quân đội đã cân nhắc để từ năm 2015 trở đi sẽ tuyển cán bộ, công chức, viên chức tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp vào phục vụ trong quân đội.
Nhưng sự thay đổi “đầu vào” này vẫn chưa giải quyết được căn cơ, đó là thực hiện đúng tinh thần của Hiến pháp: “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự”.
Rào cản để thực hiện chính sách nghĩa vụ quân sự với mọi công dân là ngân sách. Theo Sách trắng quốc phòng VN gần đây, lực lượng thường trực của quân đội vào khoảng 450.000 người, ngân sách quốc phòng năm 2008 là hơn 27.000 tỉ đồng. Đó là trong điều kiện số công dân nhập ngũ hằng năm chỉ chiếm 5,87% tổng số công dân nam trong độ tuổi 18-25.
Nếu 100% công dân trong độ tuổi này thực hiện nghĩa vụ quân sự, ngân sách không thể chịu nổi vì hằng năm có gần 7 triệu công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ (từ đủ 18 đến hết 25 tuổi).
Liệu có thể đóng tiền để thay thế nghĩa vụ quân sự được không? Trung tướng Phùng Khắc Đăng (phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN, thành viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội), đã đặt vấn đề: “Chúng ta cần những công dân được rèn luyện để sẵn sàng khi Tổ quốc gọi đến. Tiền đâu thay thế được những điều đó”.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng nói: “Nếu quy định nghĩa vụ thay thế sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng về nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân, điều này đã thấm sâu vào tiềm thức của cả dân tộc VN”.
Vậy làm sao để đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự với mọi công dân? Từ xa xưa, cha ông ta đã áp dụng chính sách “ngụ binh ư nông”, hiểu nôm na là sự kết hợp hài hòa về bố trí binh lực giữa việc quân sự và sản xuất nông nghiệp lúc bấy giờ.
Trong thời bình hiện nay, sự kết hợp hài hòa giữa chính sách nghĩa vụ quân sự và việc tạo điều kiện cho công dân học tập, làm kinh tế để phát triển đất nước càng trở nên cần thiết và hoàn toàn khả thi nếu có các chính sách linh hoạt và phù hợp.
Mọi công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng độ tuổi gọi nhập ngũ ở thời bình nên để dân được quyền đăng ký và lựa chọn thời điểm. Một người có thể lên kế hoạch cho đời mình là tòng quân ngay khi 18 tuổi, hoặc trong quá trình học tập, hoặc sau khi đã đi làm... Nên có nhiều loại thời hạn phục vụ tại ngũ để phù hợp với các đối tượng khác nhau.
Rõ ràng với một thanh niên muốn gắn bó lâu dài với quân đội và một sinh viên đã qua đào tạo, thiết thực và công bằng nhất là áp dụng thời hạn nghĩa vụ quân sự phù hợp cho từng người. Việc nghiên cứu kết hợp công tác giáo dục quốc phòng trong các nhà trường hiện nay với thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng sẽ giảm đáng kể gánh nặng ngân sách.
Ai cũng hiểu rằng nếu đóng tiền thay thế được, cuối cùng lên đường tòng quân vẫn đa số là con em nông dân, dân nghèo. Sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự lần này xin đừng để lặp lại bất công đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận